GiadinhNet - Các chuyên gia về kiến trúc đô thị cho rằng, sở dĩ hình hài các thành phố lớn ở Việt Nam xấu xí, lem nhem vì các công trình không tuân theo một nguyên tắc nào, mạnh ai nấy xây. Các nguyên tắc, quy định nếu có cũng dễ bị “xâm hại”. Thế nên, việc cho phép công trình sai phạm nộp tiền phạt để khỏi bị cưỡng chế phá dỡ có thể khiến kiến trúc tổng thể của đô thị càng trở nên “thảm họa” hơn.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 02/2014 có hiệu lực từ ngày 2/4 tới nhằm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 121/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Nghị định 121 ban hành và có hiệu lực từ 10/10 năm ngoái nhưng đến nay bộ này ra thông tư hướng dẫn. Đáng lưu ý ở thông tư này là điểm 3 Điều 11: “Hành vi xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt mà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ theo quy định tại Nghị định 23/2009 nhưng chưa thực hiện, nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét quyết định hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ và ban hành biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này sẽ thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ; hoặc 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Hiểu một cách đơn giản, một công trình được duyệt cao 10 tầng nhưng tự ý xây lên 13 tầng thì thay vì cưỡng chế phá bỏ 3 tầng sai phạm, sẽ tiến hành thu hồi 50% giá trị của 3 tầng mà chủ đầu tư đã xây. Tuy nhiên, văn bản của Bộ Xây dựng không đưa ra các nguyên tắc để định lượng giá trị đó. Tiền lệ xấu Trả lời báo chí, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, mức thu 40% đến 50% là rất lớn so với giá trị mà các cá nhân, tổ chức hưởng lợi từ phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế… Tuy nhiên, giới chuyên môn lại lo ngại chuyện nộp tiền phạt để không bị phá dỡ phần xây dựng sai phạm sẽ tạo tiền lệ xấu cho các công trình trong nội đô. Chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, KTS Hoàng Anh (Đại học Xây dựng, Hội KTS Việt Nam) nhận định: “Những giá trị tăng thêm ở một tầng nhà hay trên nền đất mà chủ đầu tư xây vượt phép là rất lớn nhưng cũng rất khó định lượng chính xác là bao nhiêu. Ví dụ, cùng một mảnh đất 200m2, tôi xây 10 tầng hay 13 tầng thì cơ bản cũng chỉ chung một chi phí về thủ tục đất đai, làm móng, thiết kế. Cơ quan quản lý không dễ mà biết tôi chi cho 3 tầng xây thêm là bao nhiêu và tôi sẽ hưởng lợi thế nào sau khi khai thác 3 tầng đó”. Nhưng theo ông Hoàng Anh, vấn đề không chỉ nằm ở chuyện tiền bạc. “Cứ cho rằng khoản phạt là rất lớn, nhưng với giá trị mặt bằng ở nội đô trong thời điểm này, chồng thêm được 1 tầng đều quý như vàng, thì chủ đầu tư có thể sẵn sàng đánh đổi. Và quan trọng hơn, việc này sẽ tạo tiền lệ xấu ảnh hưởng đến kiến trúc tổng thể đô thị, bên cạnh vấn đề quản lý trật tự xây dựng. Những mảng màu xấu xí trên bức tranh kiến trúc đô thị Việt Nam đều bắt nguồn từ chuyện mạnh ai nấy xây, mỗi nhà mỗi hình thù mà không tuân thủ kiến trúc tổng thể, thêm chuyện xây dựng trái phép, vượt phép nữa càng khiến vấn đề này tệ hơn. Do đó, hãy răn đe hết sức có thể bằng những khoản tiền phạt lớn, thậm chí là phá dỡ… không thương tiếc, thay vì “tha” một cách nhẹ nhàng như vậy”, ông Hoàng Anh phân tích. Và bài học về sự thiếu kiên quyết với các sai phạm xây dựng một lần nữa lộ rõ với con đường nối Xã Đàn – Hoàng Cầu (vành đai 1, Hà Nội). Tại buổi họp báo chiều 25/2, ông Nguyễn Song Hào - Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) đã thừa nhận, trong khoảng 500m đường vừa mở, đã có tới 39 công trình vi phạm, bao gồm nhà siêu mỏng – siêu méo, nhà xây trái phép. Và nếu theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng, hình thù các con đường, kiến trúc tổng thể của Thủ đô sẽ ra sao nếu những “vết sẹo” như vậy không bị xóa mà tiếp tục mọc lên? Việt Nguyễn |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét