GiadinhNet - KTS Hoàng Đạo Kính nghẹn lời, KTS Nguyễn Hồng Thục bày tỏ sự sững sờ, nhà sử học Vũ Thế Long bức xúc, kỹ sư cầu Phan Xuân Đại lặng lẽ “chịu trận” và công bố những thông tin quý giá về thực trạng cây cầu…
Phải ứng xử với cây cầu dưới góc độ di sản Mở đầu cho các ý kiến tại hội thảo, PGS. TS - KTS Nguyễn Hồng Thục (ĐH Phương Đông) cho rằng, sau cuộc hội thảo về cầu Long Biên tại Pháp năm 2001 mà bà đã tham dự và có bài thuyết trình, tưởng chừng việc bảo tồn nguyên vẹn cầu Long Biên đã được các cơ quan chức năng quyết định. “Hơn 10 năm qua tôi im lặng và không nghĩ tới cầu Long Biên vì nghĩ rằng số phận của nó đã được quyết định theo hướng bảo tồn nguyên vẹn. Bây giờ khi nghe thông tin về 3 phương án liên quan đến cầu Long Biên của Bộ GTVT, tôi sững sờ và thấy cần phải lên tiếng”, KTS Nguyễn Hồng Thục cho biết. Theo KTS Nguyễn Hồng Thục, khi bà thông tin cho JICA – (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) đơn vị cũng có nghiên cứu và đưa ra phương án với cầu Long Biên, phía bạn cũng “sững người” với các phương án của Bộ GTVT. Theo KTS Nguyễn Hồng Thục, phải đối xử với cầu Long Biên như một di sản và cả 3 phương án của Bộ GTVT đưa ra đều là “bức tử” cầu Long Biên. Nói về 3 phương án của Bộ GTVT, KTS Hoàng Đạo Kính (Hội KTS Việt Nam) cho rằng ông ngạc nhiên và không hiểu sao đến tận thế kỷ 21 mà những người quản lý kiến trúc quy hoạch lại “ngây ngô và thật thà đến thế”. Theo KTS Hoàng Đạo Kính, cầu Long Biên là kỳ công về công trình, kỳ tích về kỹ thuật và kỳ quan về phát triển đô thị. KTS Hoàng Đạo Kính đã nghẹn lời khi nói về thân phận cầu Long Biên: “Cây cầu đã chịu đựng bom đạn, sức tàn phá của thời gian nên dù có chắp vá, cũ kỹ, nhếch nhác cũng rất đỗi thân thương với bao thế hệ người dân Hà Nội. Các cơ quan chức năng không thể đặt lên bàn cân để tính toán lợi ích kinh tế rồi “vắt sữa” đến tận cùng cây cầu được”.Một câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra rằng, giá trị của cầu Long Biên đã được nhắc đến và thừa nhận từ lâu nhưng tại sao đến giờ cầu vẫn không được công nhận là di sản? Các đại biểu đã đồng tình phải có ngay kiến nghị tới các cơ quan chức năng để công nhận cầu Long Biên là di sản và qua đó ứng xử với cầu dưới góc độ di sản. Bộ GTVT Pháp cũng “bó tay” Sau nhiều ý kiến của các kiến trúc sư, ông Phan Xuân Đại (Kỹ sư cầu, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GTVT) được mời phát biểu dưới góc nhìn của “dân kỹ thuật”. Theo ông Đại, những năm 1965 – 1972, cầu Long Biên đã chịu nhiều đợt ném bom, nên dù ngành đường sắt đã xây nhiều trụ tạm để chống đỡ nhưng vẫn không giữ được khoảng 2/3 các nhịp dầm ở giữa sông bị sập đổ hoàn toàn. Sau năm 1975,ngành đường sắt thay thế nhịp dầm đã sập đổ bằng loại dầm tạm, tháo lắp nhanh để đảm bảo giao thông. Sau những năm 1990, để sửa chữa nâng khả năng chịu tải của các đoạn dầm cũ còn lại, Viện Khoa học kỹ thuật GTVT đã lấy mẫu thí nghiệp dầm thép cầu Long Biên và có kết luận rằng đặc trưng cơ lý hóa của thép yếu kém do ảnh hưởng của tình trạng phá hủy mạnh và chịu nhiệt độ quá cao. Tức là khả năng chịu tải giảm còn 57% so với thiết kế ban đầu.“Từ đó đến nay các nhịp dầm cũ cầu Long Biên luôn được kiểm tra tăng cường sửa chữa để đảm bảo giao thông cho tàu, xe máy, xe đạp lưu thông qua cầu được an toàn. Riêng việc duy tu sơn sửa không làm được vì rất tốn kém do kết cấu nhịp và mặt cắt cầu rất phức tạp không thể thực hiện việc đánh rỉ dầm thép trong khi các phương tiện giao thông qua lại suốt ngày đêm”, ông Đại nói. Kỹ sư Phan Xuân Đại đưa ra thông tin rất đáng chú ý, đó là vào những năm 1990, Bộ GTVT Việt Nam đã 2 lần bàn bạc với Chính phủ Pháp về việc viện trợ cho Chính phủ Việt Nam cải tạo và sửa chữa cầu Long Biên như nguyên bản. Sau nhiều lần làm việc, Bộ GTVT Pháp thông báo cho Bộ GTVT Việt Nam rằng: Các nhịp dầm cầu Long Biên hiện tại này không thể dùng lại được; Dạng kết cấu này quá lạc hậu, không thể phù hợp với quy mô giao thông của ngành đường sắt; Chính phủ Pháp cam kết viện trợ và cho vay vốn nếu phía Việt Nam làm một cầu mới cho đường sắt thay cho cầu Long Biên. Từ những thông tin nêu trên, ông Phan Xuân Đại cho biết ông ủng hộ phương án: Xây dựng cầu Long Biên mới cho đường sắt nội đô kết cấu hiện đại, mỹ thuật hài hòa ngay tại vị trí cầu Long Biên hiện nay. Cũng với đó là di dời một đoạn nhịp còn tốt của cầu Long Biên cũ sang bãi giữa sông Hồng để làm bảo tàng lịch sử và khai thác văn hóa du lịch, sinh thái.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét